PV: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đang xảy ra nhiều biến động, rủi ro suy thoái thường xuyên được nhắc tới, các doanh nghiệp trong nước cũng dần ngấm tác động tiêu cực từ lãi suất tăng và nhu cầu tiêu thụ sụt giảm thì bà có thể chia sẻ nhanh về tình hình hoạt động SXKD của PAN năm nay?
CEO PAN Group: Khi nền kinh tế đang chịu tác động tiêu cực từ lãi suất và lạm phát cao, đúng là hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn nhất định. Đối với PAN Group, tình hình sản xuất kinh doanh của chúng tôi hiện vẫn bám sát kế hoạch đề ra ngay cả khi tình hình tình hình thị trường có nhiều khó khăn hơn từ cuối quý III 2022.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần đạt trên 9.756 tỷ đồng (tăng 52% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 539 tỷ đồng (tăng 133% so với cùng kỳ). Có thể nói đây là mức tăng trưởng vượt trội so với tăng trưởng trung bình của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE (đạt 13,3% tính tới ngày 14/11). Với kết quả này, PAN Group đã hoàn thành 69% kế hoạch doanh thu và 65% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm.
Các mảng kinh doanh nông nghiệp và thủy sản vẫn giữ tăng trưởng tích cực tiếp nối đà tăng trưởng từ quý I và II. Từ cuối quý III mảng thuỷ sản tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng lạm phát từ Mỹ, Châu Âu, tuy nhiên chúng tôi vẫn đảm bảo có được các đơn hàng ổn định từ các khách hàng lớn và lâu đời.
Riêng mảng kinh doanh bánh kẹo của công ty đã có sự cải thiện rõ rệt từ quý III trong mùa Trung thu và đem lại lợi nhuận sau thuế đạt 22 tỷ đồng. Gần đây nhất, ngoài các thị trường như Hongkong, Nhật Bản, EU, sản phẩm Lafooco có bước tiến quan trọng vào thị trường Mỹ khi lọt vào danh sách sản phẩm hạt bán chạy trên nền tảng thương mại online Amazon. Đây cũng là cơ hội đạt tăng trưởng mạnh hơn về doanh thu tại thị trường rộng lớn này.
Với đặc thù cao điểm kinh doanh của nông nghiệp và bánh kẹo vào quý IV, công ty tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2022 (doanh thu 14.300 tỷ và LNST 755 tỷ, tăng trưởng lần lượt 55% và 48% so với năm 2021).
PV: Tình hình kinh doanh vẫn giữ vững ổn định nhưng cổ phiếu PAN gần đây lại có biến động mạnh, cụ thể đã giảm 35% trong vòng 1 tháng. Theo bà thì đâu là lý do của sự sụt giảm này?
CEO PAN Group: Với những biến động gần đây trên thị trường chứng khoán, tình hình thanh khoản căng thẳng dẫn tới giải chấp các cổ phiếu niêm yết bị lan rộng, cổ phiếu PAN cũng bị ảnh hưởng và có nhịp sụt giảm mạnh với mức giảm lớn nhất trong một tháng vừa qua.
Hiện tại, chỉ số P/E năm 2023 của cổ phiếu PAN đã về mức 9,x (lần), tương đương với mức định giá trung bình của toàn thị trường, cũng như chỉ bằng 50% mức định giá trong quá khứ. Tôi cho rằng đây là một mức rất thấp so với giá trị của công ty khi nhiều công ty thành viên với tài sản tốt như BBC, NSC nhưng hiện tại P/B đã về dưới 1, và mức P/B hiện cũng đang thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành.
P/B của PAN cũng về dưới 1,x (lần), mức độ chiết khấu đáng kể đối với một doanh nghiệp quy mô đầu ngành nông nghiệp và thực phẩm, có tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm và vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, trong điều kiện thị trường khó khăn.
PV: Nếu nhìn vượt ra khỏi những biến động ngắn hạn, bà có thể chia sẻ đâu sẽ là những động lực tăng trưởng chính của PAN Group? Hay nói cách khác, nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn có thể tìm thấy những điểm hấp dẫn gì khi đầu tư vào cổ phiếu PAN?
CEO PAN Group: PAN Group hiện đang sở hữu một hệ sinh thái với những lợi thế khác biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng những yếu tố này sẽ giúp PAN đạt mức tăng trưởng ổn định và tích cực trong giai đoạn 2021 – 2025 cho dù có thể gặp một số thách thức trong giai đoạn 2023 – 2024 đối với các mảng kinh doanh liên quan tới xuất khẩu do sức mua toàn cầu yếu đi.
Vinaseed hiện là nhà sản xuất giống lớn nhất tại Việt Nam với 21% thị phần, và là một trong số ít những công ty có nền tảng R&D mạnh – cho phép công ty tạo ra các loại giống mới để giành thị phần. Với đóng góp cao từ giống bản quyền (hiện chiếm 70% tổng doanh thu giống lúa và có thể đạt 90% trong tương lai), Vinaseed có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn so với các công ty cùng ngành.
Các công ty thành viên của PAN liên kết chặt chẽ với nông dân trong suốt thời gian canh tác nên sản phẩm gạo của công ty vượt trội về chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc, giúp công ty đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe sang thị trường EU và Hoa Kỳ.
VFG là nhà phân phối thuốc Bảo vệ thực vật lớn thứ hai tại Việt Nam, sở hữu mạng lưới rộng khắp, kết nối với khoảng 300 nông dân chủ chốt, giúp công ty lan tỏa cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và trổng trọt bền vững. Hợp tác chiến lược toàn diện với Syngenta năm 2021 đảm bảo tăng trưởng ổn định, thậm chí ở mức cao cho doanh thu và lợi nhuận của công ty trong vòng 5 – 10 năm tới.
Sao Ta (FMC) có công nghệ nuôi tôm giúp đạt được tỷ lệ sống của tôm cao hơn và có thể mua thức ăn thủy sản và tôm nguyên liệu với mức giá cạnh tranh. Với lợi thế sở hữu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trong thời gian tới FMC sẽ tập trung vào thị trường xuất khẩu chủ chốt là Nhật Bản (chiếm 28% tổng doanh thu xuất khẩu vào năm 2021, và 35% doanh thu xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2022) với mức giá bán bình quân cao hơn do đặc điểm thị trường Nhật ưa chuộng các sản phẩm giá trị gia tăng.
Các công ty thành viên LAF và 584 NT tập trung vào thị trường hạt cao cấp, trái cây sấy khô và nước mắm, và mảng kinh doanh này của chúng tôi đều đang đạt tăng trưởng ổn định ngay cả khi thị trường xuất khẩu chủ lực như Hong Kong, Trung Quốc bị hạn chế do chính sách Zero Covid nhờ việc liên tục phát triển thêm các thị trường mới như Canada và Nhật Bản.
Xin cảm ơn bà trả lời phỏng vấn!