Theo báo cáo cập nhật mới đây về Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng sau động thái nâng lãi suất điều hành củaNgân hàng Nhà nước (NHNN), áp lực từ chi phí vốn của Techcombank sẽ tiếp tục tăng trong quý IV.
Cùng với đó, tỷ lệ CASA của ngân hàng cũng khó tăng trở lại khi người dân chọn gửi tiết kiệm hơn là để tiền nhàn rỗi.
Chuyên gia của KBSV dự báo tăng trưởng huy động cả năm của Techcombank đạt 19,5% với động lực chính vẫn tới từ thị trường 2 và giấy tờ có giá, giả định tăng trưởng tiền gửi cả năm đạt 2,7%. Biên lãi thuần (NIM) cả năm 2022 sẽ giảm 0,24 điểm % so với cùng kỳ xuống còn 5,47%.
Trong quý III, tỷ lệ CASA của Techcombank đã giảm thêm khoảng 1,5 điểm % xuống còn 46,5%, nhưng vẫn đứng đầu ngành. KBSV cho rằng tốc độ tăng trưởng CASA của Techcombank chậm lại hoàn toàn phù hợp với bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi đổ về kênh gửi tiết kiệm khi lãi suất liên tục tăng.
Không đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất, Techcombank cũng đã tăng khoảng từ 1-1,25 điểm % tùy từng kỳ hạn. Chi phí lãi tiền gửi bình quân tăng khoảng 0,43 điểm % lên 2,3%. Huy động từ thị trường liên ngân hàng và từ giấy tờ có giá cũng trở nên đắt đỏ hơn trong bối cảnh thanh khoản toàn hệ thống thiếu hụt.
Chi phí nguồn vốn huy động bình quân quý III là 2,83%, tăng mạnh 0,61 điểm % so với quý trước và 0,59 điểm % so với cùng kỳ. Do đó, NIM quý III tiếp tục bị thu hẹp xuống còn khoảng 5,22%, giảm 0,26 điểm % so với quý trước.
Ngoài ra, do room tín dụng được giao cả năm tương đối thấp, tăng trưởng tín dụng cả năm của Techcombank được công ty chứng khoán điều chỉnh giảm thêm 5 điểm % so với giả định cũ xuống còn 12,1%.
Theo KBSV, tính đến quý III, room tín dụng của Techcombank là khoảng 11,7% sau đợt nới room tháng 9, chuyên gia đánh giá mức này là tương đối thấp nếu so với các năm trước như 2021 là 22,1% hay 2020 là khoảng 23%.
Nguyên nhân chính là do cơ cấu cho vay của ngân hàng tập trung vào ngành bất động sản cùng việc đẩy mạnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, trong khi NHNN muốn thu hẹp dòng tiền cho hai mảng kinh doanh này. Việc chủ động cắt giảm danh mục trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết để đảm bảo dư địa tăng trưởng cho vay.
Thực tế, Techcombank đã giảm mạnh giá trị nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp từ 76.800 tỷ cuối quý I/2022 xuống còn 49.300 tỷ cuối quý II và tiếp tục giảm xuống còn 43.500 tỷ cuối quý III để có hạn mức tín dụng cho vay khách hàng.