Tròn 1 năm trước, vào ngày 6/3/2023, Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng đã công bố thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (Green and Smart Mobility – GSM) – đơn vị cho thuê phương tiện giao thông xanh và taxi đa nền tảng đầu tiên trên thế giới. GMS hoạt động trong hai mảng chính, cho thuê ôtô, xe máy điện và lập hãng taxi điện, vốn điều lệ ban đầu là 3.000 tỷ đồng, trong đó vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam góp toàn bộ bằng cổ phiếu VIC.
Trong suốt một năm qua, dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng hãng taxi điện này cũng đã có những dấu ấn nhất định trên thị trường. Đặc biệt là khi chuyển mình sang mô hình mới tương tự Grab – được công bố vào đúng ngày 6/3.
Những con số ‘khủng’
Về sự thay da đổi thịt của GSM, đầu tiên phải kế đến việc vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã tăng vọt chỉ sau một năm. Cụ thể, theo bản đăng ký doanh nghiệp công bố ngày 24/1/2024, GSM hiện có vốn điều lệ 9.666 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với lúc mới thành lập. Hiện ông Nguyễn Văn Thanh đang là Tổng giám đốc của doanh nghiệp này
Với số vốn điều lệ “khủng” và được hậu thuẫn bởi người giàu nhất Việt Nam, GSM đã ngay lập tức hiện diện tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo đó, hãng taxi điện này đã có mặt tại 29 tỉnh thành, phục vụ hơn 40 triệu lượt hành khách tại Việt Nam, tạo ra hơn 200 triệu km di chuyển xanh, góp phần giảm 44.000 tấn khí thải CO2 (tương đương hơn 2 triệu cây xanh được trồng). Bên cạnh việc trực tiếp vận hành dưới thương hiệu Xanh SM, GSM cũng hợp tác với các doanh nghiệp vận tải cung cấp dịch vụ di chuyển xanh tới đông đảo người dân.
Không chỉ muốn giành thị phần tại Việt Nam, doanh nghiệp này còn muốn vươn ra khu vực Đông Nam Á và thế giới. Ngày 9/11/2023, đã mở rộng ra thị trường nước ngoài đầu tiên là Lào và nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của người dùng. Dịch taxi điện của GSM sẽ hoạt động tại thủ đô Vientiane và một số tỉnh, thành phố khác như Luang Prabang, Savannakhet, Champasak … trong các giai đoạn tiếp theo.
Theo kế hoạch, Indonesia, Philippines sẽ là các thị trường tiếp theo trong chiến lược mở rộng 9 thị trường quốc tế của hãng đến năm 2025. Tại Indonesia, GSM thậm chí còn đưa ra mục tiêu sẽ đầu tư 900 triệu USD vào đất nước này.
Cuộc chiến với cả các hãng taxi truyền thống và các hãng xe công nghệ
Khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng ra mắt GSM, nhiều người đã đặt ra nghi ngờ về sự khả thị cho mô hình kinh doanh này khi thị trường Việt Nam đang có nhiều ông lớn góp mặt. Ở thị trường taxi truyền thống, những Mai Linh, Vinasun hay G7 đã trở thành những thương hiệu quen mặt. Còn ở mảng xe công nghệ những Grab, Gojek hay BE đang chiếm đa số thị phần. Đặc biệt, sự tăng trưởng “chóng mặt” của Grab đã từng khiến một ông lớn như Uber phải rút khỏi thị trường Đông Nam Á.
Tuy nhiên, với tham vọng của mình, Chủ tịch của Vingroup “tuyên chiến” với cả các hãng taxi truyền thống và cách hãng taxi công nghệ. Theo đó, đầu tiên, GSM hoạt động theo mô hình một hãng taxi truyền thống ứng dụng công nghệ ‘khủng’, tự xây dựng cho mình một đội xe “hùng hậu”, bao gồm cả xe ô tô lẫn xe máy. Ưu điểm của Xanh SM so với taxi truyền thống đó chính là đơn vị này còn cho ra mắt cả ứng dụng gọi xe – giống như các hãng xe công nghệ nhưng lại cung cấp thêm cả dịch vụ xe máy, giao hàng.
Còn trong cuộc chiến với những hãng xe công nghệ như Grab, Gojek hay Be, GSM cũng tỏ ra “sòng phẳng” khi cung cấp không thiếu dịch vụ gì so với các đối thủ trên như gọi xe ô tô, xe máy, giao hàng… Nhưng một lợi thế của GSM so với các đối thủ này là công ty này có lượng xe sẵn cố định phục vụ, không phụ thuộc vào mức giá.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thanh, CEO của GSM còn cho biết cũng vượt nhiều đối thủ là các hãng taxi truyền thống. Tính đến hết năm 2023, GSM sở hữu lượng nhân sự lên tới 30.000 người, trong đóhơn 14.000 người là tài xế taxi. Dự kiến, đội xe sẽ chạm mốc 30.000 ô tô điện và 60.000 xe máy điện trong một vài tháng tới.
Số lượng xe và tài xế của GSM hiện đã ngang bằng hoặc thậm chí nhiều hơn so với những doanh nghiệp taxi lâu năm. Ví dụ như Mai Linh, một trong những hãng taxi lớn nhất Việt Nam, tính đến hết năm 2022, Mai Linh đang sở hữu đội xe hơn 13.000 phương tiện và đội ngũ nhân sự gần 17.000 người, trong đó gần 15.000 tài xế lái taxi.
Không chỉ có đội xe cố định, ngày 6/3 vừa qua GSM còn cho ra mắt Xanh SM Platform. Theo đó, các chủ xe điện VinFast trên toàn quốc có thể đăng ký trở thành đối tác kinh doanh dịch vụ vận tải của Xanh SM, bao gồm cả các địa phương Xanh SM chưa trực tiếp hiện diện.
Bên cạnh cơ hội tiếp cận ngay với hàng triệu khách hàng của GSM, các chủ xe điện VinFast còn được hưởng cơ chế chia sẻ doanh thu cạnh tranh vượt trội. Cụ thể, tham gia Xanh SM Platform trong năm 2024, các chủ xe sẽ được hưởng mức chia sẻ doanh thu tốt nhất thị trường hiện nay, lên tới 80%.
Đây là mô hình giống như Grab, Gojek hay BE phía GSM đã đưa ra. Tuy nhiên nó còn có thể tiếp cận đến nhiều tỉnh thành hơn, nơi mà mà các hãng gọi xe này chưa góp mặt.
Tuy nhiên, mức giá vẫn đang là thứ khiến GSM chưa có sức hấp dẫn bằng Grab hay BE. Ở mảng gọi xe ô tô, trên cùng một quãng đường thì giá của GSM có phần nhỉnh hơn vài chục nghìn so với Grab hay BE, kể cả khi áp dụng mã giảm giá vào thì cũng có phần cao hơn. Tuy nhiên, di chuyển bằng GSM vẫn sẽ tiết kiệm hơn so với taxi truyền thống.
Nhận thấy được điều này GSM cũng đã quyết định đầu tư vào mặt chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, GSM còn ra mắt dòng Luxury sử dụng xe VinFast VF8 để chở khách. Ngoài ra, GSM cũng không thu thêm phụ phí khi có thời tiết xấu hay lễ Tết. Thậm chí, GSM còn có dịch vụ cho thuê xe và hợp tác cùng các hãng taxi khác.
Tuy nhiên, ở mảng xe máy thì phần nào đó GSM đang có mức giá cạnh tranh hơn, dù khoảng cách này không qua lớn so với các đối thủ khi thường xuyên tung ra chương trình khuyến mại.
Trên hết, việc GSM xuất hiện cũng đã mang lại một lợi ích lớn cho VinFast cũng như Vingroup. Theo đó, hãng taxi điện này đang là đối tác lớn nhất của VinFast khi đóng góp đến 3/4 sản lượng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, CEO của Xanh SM cũng từng chia sẻ công ty của ông bị nghi ngờ chỉ là một nơi tiêu thụ xe cho VinFast. “Từ lúc ra đời đến giờ, GSM gặp nhiều tin đồn lắm. Với nghi ngờ về việc mục tiêu tiêu thụ xe cho VinFast, hãy nhìn ra thế giới xem họ đang làm gì?” – Nguyễn Văn Thanh đặt câu hỏi.
Theo dẫn chứng của CEO GSM, mô hình một nhà sản xuất xe liên kết hoặc đầu tư vào một startup chạy xe dịch vụ là rất phổ biến, đơn cử như Ola của Ấn Độ. Điều quan trọng hơn là triển vọng của mảng chạy xe dịch vụ có lớn hay không.
“Hiện tại những startup còn sống sót trong mảng này đều là những startup tỷ đô. Uber gần 130 tỷ đô, Grab 13 tỷ USD, Kakao Mobility pre-IPO cũng định giá 6 tỷ đô. Ola hơn 8 tỷ đô rồi. Đó là câu trả lời cho việc có tiềm năng không. Vì tiềm năng, nó là cái đáng để làm chứ không phải là để tiêu thụ xe cho VinFast” – Nguyễn Văn Thanh nói.
Qua đây lời khẳng định cảu ông Nguyễn Văn Thanh, chúng ta có thể thấy sự nghiêm túc của ông Phạm Nhật Vượng với GSM, chứ không phải chỉ tạo ra một công cụ tiêu thụ xe. Đó cũng là lời tuyên chiến của vị tỷ phú này đến các đối thủ của mình.
Theo antt.nguoiduatin.vn
https://antt.nguoiduatin.vn/gsm-tron-01-tuoi-khong-chi-la-doi-tac-tieu-thu-xe-vinfast-ma-con-la-loi-tuyen-chien-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-voi-grab-gojek-tai-viet-nam-10619.html